Để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu cần ghi nhớ 4 mốc khám thai quan trọng và chủ động đi khám đúng lịch để tránh bỏ lỡ những xét nghiệm tầm soát, sàng lọc thai kỳ nguy cơ cao.
1. Vì sao mẹ bầu cần phải đi khám thai định kỳ?
Khám thai định kỳ là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết đối với phụ nữ mang thai. Việc tuân thủ đầy đủ và đúng lịch thăm khám được bác sĩ chỉ định sẽ giúp mẹ bầu theo dõi được sự phát triển của thai nhi cũng như tình trạng sức khỏe của bản thân qua từng giai đoạn, cũng như được bác sĩ tư vấn cách theo dõi, chăm sóc, chế độ dinh dưỡng ở từng tam cá nguyệt để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.
Trong những lần thăm khám thai, mẹ bầu thường sẽ được thăm khám sức khỏe tổng quát và làm các xét nghiệm cần thiết như: siêu âm hình thái học, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu … Đây là những xét nghiệm cần thiết để đưa ra chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời những bất thường ở sức khỏe ở sản phụ hoặc thai nhi.
2. 4 mốc khám thai quan trọng mẹ bầu cần nhớ
Khám thai lần đầu tiên (3 tháng đầu thai kỳ)
Ngay khi nhận thấy chậm kinh khoảng 2 tuần so với chu kỳ kinh bình thường và sử dụng que thử thai hiện 2 vạch hoặc nhận thấy một số dấu hiệu có thai thường gặp như ốm nghén, buồn nôn… bạn cần đi khám thai càng sớm càng tốt.
Ở lần khám thai đầu tiên ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ thực hiện các xét nghiệm kiểm tra sau:
– Siêu âm xác định vị trí phôi thai cũng như tim thai, phát hiện và can thiệp sớm các tình huống mang thai ngoài tử cung để ngăn biến chứng nguy hiểm.
– Xét nghiệm máu kiểm tra mức độ thiếu máu (nếu có), tầm soát bệnh thiếu máu tán huyết
– Thalassemia, kiểm tra có mắc viêm gan B, C, giang mai, HIV/AIDS…
– Kiểm tra huyết áp xem mẹ bầu có tăng huyết áp hay không, phòng ngừa nguy cơ tiền sản giật.
– Kiểm tra cân nặng và chiều cao để tính chỉ số BMI, xác định mẹ có bị thừa cân hoặc béo phì hay không. Nếu rơi vào trường hợp này, bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ cách kiểm soát cân nặng khi mang thai để hạn chế tối đa các nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.
– Tính tuổi thai và ngày dự sinh dựa trên kết quả siêu âm hoặc ngày đầu tiên của kỳ kinh gần nhất tuỳ theo từng trường hợp cụ thể.
Bác sĩ cũng sẽ hỏi thăm thông tin tiền sử bệnh lý bản thân và gia đình để dự phòng các nguy cơ có thể xảy ra trong thai kỳ như tiền sử sảy thai, tiền sản giật hay sản giật, sinh non, bản thân hoặc gia đình có người mắc bệnh Down, tăng huyết áp, nứt đốt sống, đái tháo đường…
Ngoài ra, tại mốc khám thai quan trọng này bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn cho mẹ bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể; gợi ý thực đơn ăn uống khoa học, cung cấp đủ các nhóm dưỡng chất dinh dưỡng cho mẹ và bé; tư vấn lối sống lành mạnh và các điều cần tránh khi mới mang thai.
Khám thai vào tuần 11-13 thai kỳ
Đây là mốc khám thai quan trọng giúp phát hiện, tầm soát dị tật thai nhi đầu tiên mà bác sĩ khuyến cáo mẹ bầu cần đi thăm khám đúng lịch. Theo nhiều chuyên gia sản khoa, thời điểm cho kết quả chính xác nhất độ mờ da gáy, giúp phát hiện nhiều dị tật bẩm sinh liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng Down, thoát vị cơ hoành, dị dạng tim… ở trẻ là trong khoảng 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày.
Nếu sớm hơn sẽ mang lại kết quả đo không chính xác vì thai còn quá nhỏ. Nhưng từ tuần thứ 13 trở đi, những dị tật này sẽ khó phát hiện hơn, mất đi cơ hội can thiệp và hạn chế ảnh hưởng đến thai nhi.
Ở lần khám thai này, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ thực hiện các xét nghiệm kiểm tra sau:
– Xét nghiệm Double test: giúp đánh giá và tầm soát nguy cơ mắc hội chứng Down, Edward hoặc Patau.
– Xét nghiệm máu: giúp xác định các nguy cơ tiềm ẩn như thiếu máu, thiếu sắt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
– Xét nghiệm nước tiểu: giúp xác định nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ, dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu, tổn thương thận hoặc một vài bất thường khác.
Khám thai vào tuần 20-24 thai kỳ
Đây là thời điểm “vàng” để siêu âm, đánh giá cấu trúc và hình thái học cũng như sự phát triển của thai nhi. Khám thai trong tuần 20 – 24, thai nhi đã có kích thước tương đối lớn, các cơ quan nội tạng đã hình thành và phân chia rõ rệt nên sẽ dễ dàng phát hiện dị tật. Thời điểm này, mẹ bầu sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện siêu âm 3D, 4D để khảo sát hình thái học, phát hiện dị tật ở hầu hết các cơ quan nội tạng như: đo chiều dài tứ chi, vòng bụng, đầu, đường kính lưỡng đỉnh, chiều dài xương đùi; xác định tình trạng của các cơ quan tim, não, phổi, dạ dày, tay chân…
Hơn hết, siêu âm ở tuần 22 còn cho mẹ theo dõi được những cử động của thai nhi cũng như biết được tình trạng phát triển của các cơ quan quan trọng bên trong cơ thể bé. Các siêu âm chẩn đoán, sàng lọc dị tật thai nhi ở giai đoạn này cần được đánh giá, kiểm tra lần lượt từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới một cách cẩn trọng nhất.
Khám thai vào tuần 30-32 thai kỳ
Bước sang giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3, từ tuần thai 28 trở đi, việc khám thai thường xuyên là điều hết sức quan trọng. Các bác sĩ khuyên rằng bạn nên đi khám 2 tuần/ lần để phát hiện sớm các vấn đề mẹ và thai nhi đang gặp phải. Khám thai đúng lịch hẹn ở giai đoạn này sẽ giúp bố mẹ chủ động hơn trong công tác chuẩn bị đón chào một thiên thần nhỏ sắp chào đời: chuẩn bị tâm lý, lựa chọn phương pháp sinh thường hay sinh mổ, nên sinh vào thời điểm nào, cách chăm sóc cho bé sau sinh …
Ngoài việc khảo sát ngôi thai, tuân thủ khám thai định kỳ còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc theo dõi tăng trưởng của thai, phát hiện các bất thường về dây rốn, bánh nhau, lượng nước ối… nhằm đảm bảo thai nhi đang phát triển tốt ở giai đoạn nước rút, đưa ra được kết luận chính xác về sự phát triển của bé, tốc độ phát triển so với tuổi thai để có biện pháp can thiệp kịp thời nếu thai trong tử cung bị phát triển chậm. Những kiểm tra này sẽ giúp hạn chế được những trường hợp nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình sinh.
Khi mang thai, cơ thể mẹ sẽ trải qua vô vàn những thay đổi đáng kể so với bình thường, luôn tiềm ẩn những rủi ro về sức khỏe có thể xảy ra bất cứ lúc nào đến cả mẹ và bé. Hiểu và nắm được những mốc khám thai quan trọng này, Bầu Xinh tin rằng sẽ giúp mẹ bầu chủ động hơn trong việc thăm khám, theo dõi và kiểm soát tình trạng sức khỏe của bản thân và thai nhi, từ đó có phương án xử lý kịp thời những tình huống không hay có thể xảy ra.
Với mong muốn mang đến dịch vụ thăm khám sức khỏe cho mẹ bầu và em bé trong suốt thai kỳ một cách toàn diện, từ khi bắt đầu mang thai cho đến lúc “vượt cạn” thành công, phòng khám SPK Bầu Xinh cam kết không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và mang lại sự an tâm tuyệt đối cho mọi mẹ bầu.
Đội ngũ y bác sĩ không chỉ được biết đến bởi trình độ chuyên môn cao và bề dày kinh nghiệm trong ngành mà còn vì sự nhiệt huyết, tận tâm với nghề luôn lắng nghe và hiểu rõ những lo lắng, nhu cầu cũng như mong muốn của mỗi mẹ bầu. Đặc biệt, phòng khám còn chú trọng vào việc áp dụng các công nghệ y tế tiên tiến và phương pháp điều trị hiện đại nhất để đảm bảo sự an toàn tối đa cho cả mẹ và em bé.
Mang sứ mệnh “Sức khỏe cho mẹ – Hạnh phúc cho bé” chúng tôi hy vọng rằng, với bài viết 4 mốc khám thai quan trọng, mỗi mẹ bầu khi đến với phòng khám sẽ không chỉ cảm nhận được sự chăm sóc đặc biệt mà hơn hết là sự an tâm tuyệt đối trên hành trình trở thành người mẹ tròn đầy niềm vui và hạnh phúc của mình.