Siêu âm và xét nghiệm máu là cách thử thai rất chuẩn xác và nhanh chóng. Tuy nhiên, mẹ bầu vẫn có thể tự nhận biết mình có đang mang thai hay không dựa vào các dấu hiệu phổ biến sau. Cùng Bầu Xinh tìm hiểu nhé!
Nhận biết những dấu hiệu mang thai sớm trong tuần thai đầu tiên
Có rất nhiều cách tính tuổi thai, với các cách tính khác nhau có thể cho kết quả tuổi thai khác nhau, thường thì xê dịch từ 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, hai cách tính tuổi thai phổ biến nhất là dựa theo chu kỳ kinh nguyệt và theo ngày quan hệ/ngày rụng trứng.
Dấu hiệu mang thai trong những tuần đầu mẹ bầu thường gặp nhất:
Trễ kinh
Không dễ để có thể xác định chính xác chậm kinh bao lâu thì có thai, vì chu kỳ kinh nguyệt của mỗi người sẽ dài ngắn khác nhau. Tuy nhiên, thông thường trễ kinh từ 5 – 7 ngày trong chu kỳ có quan hệ khả năng là mẹ đã có thai.
Vào lúc này, mẹ có thể dùng que thử thai tại nhà để kiểm tra nồng độ hormone hCG có trong nước tiểu. Nếu kết quả là 2 vạch dương tính, tốt nhất mẹ nên sớm đi khám y khoa để được hướng dẫn các kiểm tra nhằm chẩn đoán chính xác mình có đang mang thai hay không, cũng như được bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc và theo dõi thai kỳ.
Buồn nôn
Khoảng 2/3 phụ nữ mang thai thường có cảm giác buồn nôn trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Đây được xem là một trong những dấu hiệu mang thai sớm, cụ thể hơn là trong 1-2 tuần đầu tiên. Các triệu chứng thai nghén này có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào, cả ban ngày và ban đêm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như cuộc sống hàng ngày của mẹ bầu. Và thường thì sẽ hết sau khoảng 16 – 20 tuần thai kỳ.
Tuy nhiên, mẹ cũng cần lưu ý, cảm giác buồn nôn sau 1 tuần quan hệ có thể phát sinh do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm rối loạn tiêu hoá, ngộ độc thực phẩm, trào ngược dạ dày thực quản, lo lắng, căng thẳng, tác dụng phụ của thuốc hoặc có thai.
Vú căng tức
Một trong những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất ở những phụ nữ mới “cấn thai” là vùng ngực có sự thay đổi rõ rệt. Nhiều mẹ bầu mang thai cho hay, trong những tuần đầu của thai kỳ, thường hay gặp phải tình trạng giống như ngực sưng lên, đau hơn, căng tức khó chịu, núm vú có thể trở nên sẫm màu và nhô ra và quầng vú có thể lớn hơn.
Nguyên nhân của sự thay đổi này là do ảnh hưởng của nồng độ hormone hCG (hormone thai kỳ) tăng cao, gây ra sự thay đổi hình dáng và kích cỡ của vùng ngực. Tuy nhiên, triệu chứng này sẽ giảm dần và cải thiện theo thời gian do cơ thể tự điều chỉnh theo sự thay đổi của nội tiết tố.
Đi tiểu nhiều hơn bình thường
Nếu mẹ thường xuyên đi tiểu vào ban đêm, thì đây có thể là dấu hiệu mẹ đã có thai sớm. Điều này xảy ra là do nội tiết tố (hormone hCG) cùng sự phát triển kích thước của tử cung gây áp lực lên bàng quang.
Thay đổi thói quen ăn uống/ khẩu vị
Hormone hCG tăng cao trong suốt thời kỳ đầu mang thai sẽ khiến mẹ bầu bị kích thích cảm giác thèm ăn đối với một số loại thực phẩm, đồng thời không thiện cảm mấy với những loại khác.
Ngoài ra, rối loạn vị giác cũng là một trong những dấu hiệu nhận biết có thai phổ biến với các mẹ bầu. Thông thường, mẹ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi qua giai đoạn đầu của thai kỳ lúc nội tiết tố đã ổn định và cơ thể đã “quen” với sự xuất hiện của thai nhi trong bụng. Tuy nhiên, chứng loạn vị giác này có thể sẽ kéo dài suốt thai kỳ, và mẹ phải học cách sống chung với nó.
Cảm thấy hoa mắt chóng mặt
Sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ làm tăng lưu thông máu và khiến mạch máu giãn ra. Vậy nên, khi các mạch máu giãn ra và huyết áp giảm xuống, mẹ có thể sẽ cảm thấy hoa mắt, chóng mắt, nhức đầu, thậm chí là cả ngất xỉu. Ngoài ra ở giai đoạn đầu của thai kỳ, hiện tượng ngất đi cũng có thể là do lượng đường trong máu thấp.
Nướu răng sưng đau
Khi cơ thể phải tập trung cung cấp lượng máu và lượng chất lỏng cho việc nuôi dưỡng của sự phát triển của thai nhi, mẹ rất dễ bị sưng các mô, bao gồm cả nướu. Chính vì vậy, mẹ hãy chú ý quan sát đến tình trạng nướu bị sưng, đau và chảy máu, cũng như sưng húp mắt và mặt … đấy có thể là một trong những dấu hiệu sớm cho thấy mẹ đang cấn bầu.
Đầy hơi, ợ hơi
Khi progesterone tăng cao, có thể gây ra sự thay đổi lớn bên trong cơ thể. Một trong những thay đổi đó là làm cho các cơ bắp, bao gồm các cơ trong ruột, trở nên ít hoạt động hơn. Dẫn đến quá trình tiêu hóa chậm lại, gây ra cảm giác đầy hơi và ợ hơi.
Chảy máu báo thai
Khi trứng đã được thụ tinh và gắn kết sâu vào niêm mạc tử cung dày, mẹ có thể thấy có hiện tượng chảy máu âm đạo. Trên thực tế, thì chỉ có khoảng 25 – 30% phụ nữ mang thai trải qua chảy máu âm đạo trong vài ngày đầu của thai kỳ. Tuy nhiên, mẹ cũng cần phân biệt giữa chảy máu do thụ tinh và chảy máu trong kỳ kinh nguyệt. Mẹ cần chú ý đến màu sắc và lượng máu. Thường thì chảy máu trong thai kỳ thường rất ít, màu sắc hồng nhạt và hơi nâu, không đỏ đậm và tươi sáng.
Đau bụng âm ỉ
Khi có thai, những cơn đau bụng âm ỉ sẽ xuất hiện giống như sắp đến kỳ kinh nguyệt và có thể kèm theo các triệu chứng như: ra máu báo thai, mệt mỏi, buồn nôn, căng tức ngực…
Tuy nhiên, mẹ có thể sẽ không thường gặp những dấu hiệu mang thai sớm trên nên không thể biết là mình đã có bầu hay chưa cho đến khi thấy những dấu hiệu muộn hơn như: vú to hơn bình thường, thấy thai cử động, bụng to dần.
Điều cần làm khi có các dấu hiệu có thai
Khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu như trên, điều cần làm là mẹ cần xác định chính xác mình có thật sự đang mang thai hay không. Cách kiểm tra nhanh nhất mà nhiều mẹ bầu ưa thích là sử dụng que thử thai, kiểm tra với mẫu nước tiểu dựa trên phản ứng với hormone hCG.
Nếu que test trả kết quả 2 vạch, hầu hết trường hợp mẹ đã mang thai. Tuy nhiên, để có kết quả chuẩn xác hơn, mẹ nên đi thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được làm xét nghiệm, siêu âm … Ngoài ra, lần kiểm tra này các bác sĩ cũng giúp đánh giá tổng quan tình hình sức khỏe của mẹ, đưa ra lời khuyên cần thiết giúp mẹ bầu lưu ý hơn về chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý, nghỉ ngơi phù hợp … đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Trên đây là một số cách nhận biết dấu hiệu mang thai sớm nhất tại nhà mà chị em có thể tham khảo thêm. Tuy nhiên, những dấu hiệu này chỉ mang tính chất tham khảo, để chắc chắn hãy đến cơ sở y tế để thăm khám kịp thời, cũng như được bác sĩ đưa ra lời khuyên tốt nhất cho thai kỳ khỏe mạnh nhé.